6h50, 5 xe thùng tiến vào cổng trụ sở tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội trên đường Đội Cấn, chuẩn bị cho phiên phúc thẩm kéo dài 10 ngày xem xét đơn chống án của cựu phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên và 5 cựu lãnh đạo cấp cao nhà băng này.
|
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xuất hiện muộn trong phiên phúc thẩm.
|
7h30, tại cổng tòa, luật sư cùng rất nhiều người liên quan vụ việc xếp hàng để làm thủ tục vào dự phiên xử. Lực lượng công an bảo vệ được bố trí suốt trục đường Đội Cấn. Vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên có mặt, bà để tóc xõa, mặc áo sơ mi trắng và quần âu đen. Như tại phiên sơ thẩm, phạm nhân Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM, lĩnh án chung thân trong vụ án khác) bị áp giải tới phiên xử.
Gần 40 phóng viên được bố trí theo dõi phiên phúc thẩm qua màn hình.
8h25, bị cáo Nguyễn Đức Kiên chưa có mặt tại phòng xử. HĐXX chưa ra làm thủ tục khai mạc phiên phúc thẩm.
|
Người dự phiên xử làm thủ tục với cán bộ tòa án trước khi bước qua cửa từ kiểm tra hành lý.
|
9h, bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ được đưa vào vành móng ngựa.
9h15, thẩm phán chủ tọa Đặng Bảo Vĩnh bắt đầu phần thủ tục phiên tòa bằng việc kiểm tra căn cước 6 bị cáo có đơn chống án cùng những người liên quan.
9h30, theo kiểm tra có 12 luật sư bào chữa cho 6 người, riêng bị cáo Kiên mời 4 luật sư song một vị vắng mặt.
Ngân hàng ACB được xác định là nguyên đơn dân sự, có đại diện tham dự. Phía Vietinbank có luật sư Nguyễn Tiến Hùng làm đại diện, ngân hàng này được xác định là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
9h50, tòa kiểm tra căn cước của bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Kiên, với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong lúc này, ngồi ở hàng ghế đầu tại vành móng ngựa, bị cáo Kiên tóc bạc trắng không ngẩng nhìn, chăm chú đọc tài liệu. Trong số các bị cáo, chỉ riêng Nguyễn Đức Kiên mang theo tập hồ sơ dày.
10h15, phần kiểm tra căn cước kết thúc. Luật sư Lưu Văn Tám, bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, đề nghị được trao đổi tài liệu với các bị cáo trong giờ nghỉ giải lao và đề nghị HĐXX cho phép bị cáo gặp người nhà.
Luật sư Vũ Xuân Nam, bảo vệ Nguyễn Đức Kiên, đề nghị triệu tập một số người có lời khai trong vụ án như nhóm nhân viên của Vietinbank, nhóm nhận tiền vay vốn của Vietinbank.
Cùng bảo vệ cho bị cáo Kiên, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đề nghị HĐXX xem xét đến sức khoẻ của thân chủ, mong cho bị cáo Kiên được ngồi để trả lời thẩm vấn.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, đề nghị HĐXX xem xét việc các cơ quan an ninh không cho mang điện thoại, máy tính vào phòng xử.
|
Bà Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên, là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án. Ảnh: Quý Đoàn
|
10h30, bị cáo Kiên đề nghị đại diện của Bộ Tư Pháp, triệu tập thêm đại diện Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội nơi 6 công ty của mình hoạt động; triệu tập cựu chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB Trần Mộng Hùng...
Đang trình bày được hơn một phút, bị cáo Kiên giọng trùng xuống, vẻ mệt mỏi, tay ép vào ngực nói: "Tôi xin lỗi tòa một chút". Ngừng khoảng 10-15 giây, bị cáo nói tiếp và đề nghị thay đổi tư cách của ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) từ nhân chứng sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
10h35, toà thông báo tạm nghỉ 10 phút.
11h10, phiên xử tiếp tục làm việc.
Theo bản án sơ thẩm ngày 9/6 của TAND Hà Nội, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng tài khoản với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng thông qua 6 công ty do ông làm Chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên. Hành vi này được cho là phạm tội Kinh doanh trái phép, theo Điều 159 Bộ Luật hình sự, do kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký.
6 công ty gồm: Công ty CP đầu tư thương mại B&B, Công ty CP tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP đầu tư tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam.
Án sơ thẩm cho rằng thông qua Công ty B&B, bị cáo Kiên đã trốn thuế hơn 25 tỷ đồng khi ký hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính giữa công ty B&B với bà Nguyễn Thuý Hương (em gái bị cáo Kiên) nhằm chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh vàng sang cho cá nhân bà Hương.
Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cấp sơ thẩm quy kết ông Kiên bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát để nhận về 264 tỷ đồng.
Với tội Cố ý làm trái, bị cáo Kiên bị xác định trong thời gian giữ chức vụ quan trọng tại ACB đã cùng bị cáo Lý Xuân Hải (Tổng giám đốc ACB), 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng gửi vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) chiếm đoạt. Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các sếp của ACB còn bị cáo buộc đã tổ chức đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
Cấp sơ thẩm cho rằng, hậu quả của các hành vi nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng nên tuyên phạt bị cáo Kiên tổng cộng 30 năm tù. Những người còn lại từ 2 đến 5 năm tù.
Bị cáo Kiên sau đó kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm 4 tội (Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) như quy kết. 5 bị cáo Hải, Kỳ, Cang, Quang, Tuấn chống án kêu oan hoặc đề nghị xem xét lại việc bị kết tội Cố ý làm trái.
Việt Dũng
Comments[ 0 ]
Post a Comment